Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc trước lo ngại suy thoái kinh tế

10:55 06/08/2024

Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm 12,4% vào thứ Hai, trong khi hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng giảm. Các nhà đầu tư đang thể hiện sự lo ngại về việc tăng lãi suất của Nhật Bản và triển vọng kinh tế Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã giảm vào cuối tuần trước khi các nhà đầu tư tiếp nhận một loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực và kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ các công ty công nghệ lớn
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã giảm vào cuối tuần trước khi các nhà đầu tư tiếp nhận một loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực và kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ các công ty công nghệ lớn. (Ảnh: Rebecca Zisser/BI)

Thị trường chứng khoán tràn ngập sắc đỏ cùng với tâm lý lo ngại bao trùm

Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã chịu mức giảm lớn nhất kể từ năm 1987, đóng cửa giảm 12,4% vào thứ Hai, trong khi các thị trường ở châu Á và châu Âu cũng giảm mạnh. Đợt bán tháo mạnh nhất kể từ "Thứ Hai đen tối" đã làm chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh và làm trầm trọng thêm mức giảm 5,8% vào hôm thứ Sáu.

Những đợt giảm này được khơi mào một phần bởi việc tăng lãi suất của Nhật Bản vào tuần trước, điều đã làm tăng giá trị của đồng yên so với đô la Mỹ. Cùng với đó là các yếu tố bao gồm số liệu việc làm đáng thất vọng của Mỹ vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán Mỹ đóng cửa như sau:

- S&P 500 đóng cửa ở mức 5.186,33, giảm 3%.

- Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên ở mức 38.703,27, giảm 2,6% (tương đương giảm 1.033,99 điểm).

- Nasdaq composite: 16,200.08, giảm 3.43%.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã giảm vào cuối tuần trước khi các nhà đầu tư tiếp nhận một loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực và kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ các công ty công nghệ lớn. Chỉ số S&P 500 đã giảm 3% chỉ trong hai ngày, trong khi chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ ghi nhận mức giảm gần 5% và chính thức đi vào pha điều chỉnh.

Ông Tony Sycamore, một nhà phân tích tại IG Australia, nói với Bloomberg TV: "Chúng tôi chưa từng thấy một ngày rớt giá thảm khốc như thế này kể từ đợt bán tháo COVID vào tháng Hai, tháng Ba năm 2020".

Ở châu Á, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đóng cửa giảm 9% sau khi giao dịch tạm dừng trước đó trong ngày, chỉ số Taiex của Đài Loan giảm 8,4% và chỉ số ASX 200 của Úc kết thúc giảm 3,7%.

Chỉ số Sensex của Ấn Độ giảm 3,1% vào lúc 12:48 giờ địa phương, trong khi Nifty 50 giảm 3%.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng chứng kiến mức giảm tới 2,8%, và chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm tới 1,3%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chịu nhiều áp lực trong năm nay do những rắc rối kinh tế của nước này.

Ở châu Âu, chỉ số Stoxx 600 toàn khu vực giảm 2,5% khi giao dịch bắt đầu vào thứ Hai. Paris ghi nhận mức giảm 2,4%, Frankfurt giảm 2,6% và tại London, chỉ số FTSE 100 giảm hơn 2%.

Sự tiêu cực bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ trước khi tuần giao dịch mở cửa là do đợt bán tháo gần đây của nhóm các cổ phiếu công nghệ, khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo giảm dần, và các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi khi nào họ có thể thấy lợi nhuận ở những dự án này.

Đồng thời, báo cáo việc làm của Mỹ vào tháng 7 cho kết quả thấp hơn kỳ vọng đã tác động thêm vào tâm trạng u ám của nhà đầu tư, gây ra đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ vào thứ Sáu, chỉ vài ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất.

Nhưng không chỉ nền kinh tế Mỹ và Fed đang ảnh hưởng đến thị trường, tác động tiêu cực còn đến từ việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) vào thứ Tư tuần trước, điều mà ông Sycamore đã nói với Bloomberg TV là "giọt nước làm tràn ly".

Đồng tiền của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần bốn thập kỷ so với đồng đô la Mỹ vào tháng trước
Việc tăng lãi suất của BOJ đã tạo ra tâm lý "risk-off" ở các thị trường chứng khoán toàn cầu. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)

Giao dịch chênh lệch giá toàn cầu

Ngân hàng Nhật Bản đã tăng lãi suất từ mức giữa 0% và 0,1% lên 0,25% vào thứ Tư, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 15 năm.

Tuy mức tăng có vẻ nhỏ nhưng nó lại có tác động đáng kể, vì đồng yên đã trở thành tâm điểm của giao dịch chênh lệch giá, nơi các nhà giao dịch kiếm lời từ sự chênh lệch lãi suất trên toàn thế giới. Do doanh thu trên thị trường ngoại hối toàn cầu rất lớn, đạt mức kỷ lục 7,5 nghìn tỷ đô la mỗi ngày vào tháng 4 năm 2022, hậu quả để lại có thể rất lớn.

Nhật Bản đã giữ lãi suất ở mức cực thấp trong nhiều thập kỷ sau khi bong bóng tài sản vỡ vào những năm 1990, góp phần gây ra tình trạng giảm phát kéo dài. Quốc gia này cũng đã tiếp tục giữ lãi suất thấp sau đại dịch, trái ngược với xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới.

Điều này đã tạo ra sự chênh lệch trong chính sách tiền tệ và tác động đến đồng yên Nhật. Đồng tiền của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần bốn thập kỷ so với đồng đô la Mỹ vào tháng trước.

Sự chênh lệch này đã tạo điều kiện cho giao dịch chênh lệch giá, và là chiến lược đầu tư chiếm ưu thế trong năm nay. Các nhà phân tích của ING cho biết, điều này liên quan đến "việc vay mượn bằng yên, với kỳ vọng rằng đồng yên sẽ tiếp tục giảm, và đầu tư vào một loại tiền tệ hoặc tài sản có lãi suất cao, tốt nhất là có cơ sở vững chắc về mặt kinh tế".

Tuy nhiên, chiến lược này hiện đang gặp trở ngại, khi việc tăng lãi suất của BOJ vào tuần trước đã làm tăng giá trị của yên, ghi nhận mức tăng 7,5% trong năm ngày giao dịch vừa qua và giảm 1,6% so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay.

Vào hôm thứ Hai, yên đã tăng tới 3,3% lên mức 141,7 mỗi đô la, mức cao nhất kể từ tháng Một.

Việc tăng lãi suất của BOJ cũng đã tạo ra tâm lý "risk-off" ở các thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong một lưu ý riêng vào ngày 25 tháng 7, các nhà phân tích ING viết: "Sự giải phóng các giao dịch vay mượn bằng yên đang góp phần không nhỏ vào tâm lý ‘risk-off’ toàn cầu".

Vẫn còn những biến động phía trước, đặc biệt là đối với các tài sản rủi ro, ông Vishnu Varathan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Mizuho tại châu Á ngoài Nhật Bản, cho biết vào ngày thứ Sáu. "Những đám mây đen của phản hồi tiêu cực giữa việc thanh lý 'vay mượn' và sự lây lan của tâm lý 'risk-off' không thể bị bỏ qua", ông nói thêm.

Risk-on Risk-off là một lí thuyết về tâm lí thị trường, ám chỉ hành vi của nhà đầu tư theo cảm nhận về mức độ rủi ro của thị trường tài chính.

Theo thuyết này, khi rủi ro được cảm nhận ở mức thấp, nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào các tài sản có rủi ro cao, đây gọi là hiện tượng Risk-on.

Ngược lại, khi rủi ro được cảm nhận ở mức cao, nhà đầu tư sẽ bán tháo các sản phẩm tài chính có mức độ rủi ro cao để chuyển sang các tài sản an toàn hơn hay chỉ giữ tiền mặt, đây gọi là Risk-off.

Lân Nguyễn (t/h)