Thủ tướng chỉ đạo các địa phương ứng phó bão với phương châm "bốn tại chỗ"

09:14 07/09/2024

Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương cần ứng phó bão với phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Chiều 6/9, Hà Nội bất ngờ đón mưa giông lớn. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Chiều 6/9, Hà Nội bất ngờ đón mưa giông lớn. (Ảnh: Vietnam+).

Đêm 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần thứ ba gửi công điện đến 25 tỉnh thành phía Bắc và 10 bộ ngành, yêu cầu quyết liệt phòng chống bão Yagi, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước. Bên cạnh khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài trong mưa bão, các địa phương cần cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đêm ngày 6 tháng 9 năm 2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17; từ ngày 7 tháng 9, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

Thủ tướng giao các Phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện công điện này. Văn phòng Chính phủ kịp thời báo cáo Thủ tướng các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và có hiệu quả chỉ đạo của ông tại hai Công điện ngày 3 và 5/9. Cụ thể, các địa phương cần ứng phó bão với phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp thiệt hại về tài sản cho người dân.

Ông yêu cầu bộ ngành, địa phương chủ động phòng ngừa, ứng phó bão ở mức cao nhất. Bí thư, Chủ tịch các tỉnh thành hoãn các cuộc họp không cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công người xuống địa bàn trọng điểm để đôn đốc phòng chống bão.

Vào chiều ngày 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Phòng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, càng kỹ, càng cụ thể, nhiều phương án chủ động ứng phó sẽ càng giảm tối đa tổn thất, thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản của nhân dân. Tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng khởi động mọi lực lượng, chỉ đạo tập trung, thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, có phương án tiếp cận với các khu vực xung yếu, bị chia cắt.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đêm qua và sáng nay, các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa 10 - 40mm, một số trạm mưa lớn hơn: Mù Cang Chải (Yên Bái) 59mm; Cao Răm (Hòa Bình) 53mm; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 50mm. Riêng 5 tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình hầu như không mưa.

Từ hôm nay đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có mưa lớn phổ biến từ 100 - 350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm nay 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối nay đến đêm mai 8/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), đến nay, toàn bộ tàu trong vùng ảnh hưởng của bão đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển.

Các lực lượng đã sơ tán 47.151 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 18.762 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 734 người; Ninh Bình: 2.685 người). Về sản xuất, khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện còn 458.000 ha lúa mùa chưa thể thu hoạch, có khả năng chịu thiệt hại do mưa, bão.

Mai Anh