Toàn quốc đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP trên 3 sao

21:34 07/07/2024

Chương trình OCOP đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là trong việc thúc đẩy chuyển đổi tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã bước sang năm thứ sáu và hiện đang được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Đến nay, cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, tăng hơn 4.000 sản phẩm so với cuối năm 2022. Cũng có hơn 7.000 chủ thể tham gia OCOP, bao gồm hơn 32% là hợp tác xã, hơn 22% là doanh nghiệp, hơn 39% là cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh, phần còn lại là tổ hợp tác.

Về việc đánh giá các sản phẩm OCOP cấp quốc gia đã được công nhận vào năm 2020, có 4 sản phẩm tiếp tục được xếp hạng 5 sao. Theo quy trình, các sản phẩm OCOP 1 và 2 sao sẽ do cấp huyện xếp hạng, sản phẩm OCOP 3 và 4 sao sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xếp hạng và cấp chứng nhận. Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương có thẩm quyền xem xét hồ sơ, đánh giá, chấm điểm và xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao, sau đó trình Chính phủ để Thủ tướng ra quyết định công nhận.

Triển lãm các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024
Triển lãm các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Chương trình OCOP đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là trong việc thúc đẩy chuyển đổi tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của các địa phương.

Ðể có được những con số ấn tượng nói trên, những cơ chế mới, chính sách mới đã được ra đời, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, trong đó, nổi bật là Quyết định 919/QÐ-TTg (thay thế Quyết định 490/QÐ-TTg) hướng OCOP vào chiều sâu, nâng cao vai trò cấp xã, huyện trong triển khai chương trình, giao quyền đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao về cấp huyện; Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 148/QÐ-TTg (thay thế Quyết định 1048/QÐ-TTg) có quy định bắt buộc đối với các hạng sao khi tham gia đánh giá phân hạng, đề cao chất lượng, giá trị thương hiệu, tính cộng đồng, nâng cao giá trị văn hóa truyền thống và thị trường hóa các sản phẩm OCOP.

Giai đoạn 2021-2025, OCOP mở rộng được một số sản phẩm mới như sinh vật cảnh, động vật cảnh, cụ thể hóa điểm du lịch nông thôn… Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP được ban hành bao gồm các chỉ tiêu cụ thể hóa định hướng, tiếp cận của Chương trình gắn với phát triển sản phẩm theo 3 trục: Phát triển cộng đồng, chất lượng sản phẩm và năng lực tiếp thị; trở thành định hướng giúp các địa phương chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ; có cơ sở xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện triển khai.

Bộ NN&PTNT cũng xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện Thông tư 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, kết hợp với nhiều chương trình cụ thể về hợp tác xã, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, ngành nghề, làng nghề… với nhiều hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước như: Tư vấn, định vị, bảo hộ nhãn hiệu, bao bì, trang thiết bị sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thị trường…

Tính đến tháng 12/2023, hầu hết các huyện đã và đang tổ chức hội đồng đánh giá, chủ động phân bổ ngân sách hỗ trợ hiệu quả. Ở cấp Trung ương, nhiều mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP từ cộng đồng, mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 được tổ chức triển khai cùng các chương trình xúc tiến quốc tế, chương trình chuyển đổi số với livestream sản phẩm OCOP, Festival, hội chợ OCOP vùng miền,…

P.V (t/h)