Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 800 tỷ USD là không xa

11:00 06/10/2022

Tính đến tháng 9 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, với đà tăng trưởng này, xuất nhập khẩu cả năm 2022 có thể cán mốc kỷ lục 800 tỷ USD.

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây do ảnh hưởng của lạm phát trên toàn cầu, xung đột Nga - Ukraina chưa vãn hồi, dịch COVID-19 vẫn nhiều tiềm ẩn… nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 rất đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022 đã vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 0,5% so với quý II/2022. Trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, mặc dù giảm 11% so với tháng 8 nhưng vẫn tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 24,9%); trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2022 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,89 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,41 tỷ USD. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 89% tổng xuất khẩu cả nước (giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6% (giảm 0,6 điểm phần trăm); nhóm hàng thủy sản chiếm 3% (tăng 0,4 điểm phần trăm); nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, (tăng 0,3 điểm phần trăm).

Trong 9 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,6%, giảm 1,3 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,2%, tăng 1,4 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 48,5 tỷ USD, tăng 19,8%; ASEAN ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,2%; Nhật Bản ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 8,9%; EU ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 8,4%; Hoa Kỳ ước đạt 11 tỷ USD, giảm 6%.

Nhiều dự báo cho rằng, nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 4/2022, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt đến 800 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 - 8%.

Ngọc Phi (tổng hợp)