Ứng dụng thực tiễn của tín chỉ carbon đối với nền kinh tế. Bài XVIII: Doanh nghiệp đang quan tâm thế nào đến tín chỉ Carbon?

09:34 03/08/2024

Tín chỉ carbon đã trở thành vấn đề quan trọng toàn cầu. Hiện tại, doanh nghiệp Việt ngày càng nhận thức rõ về vai trò này, không chỉ để giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao thương hiệu và đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa
 Rừng Cần Giờ, TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển thị trường carbon. 

Doanh nghiệp Việt Nam nhận thức thế nào về tín chỉ Carbon

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của tín chỉ carbon trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Họ không chỉ xem tín chỉ carbon như một công cụ để giảm thiểu tác động môi trường mà còn coi đây là cơ hội để nâng cao hình ảnh thương hiệu và mở rộng cơ hội trên thị trường quốc tế. Sự quan tâm này phản ánh xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong đó, tín chỉ carbon là một đơn vị đo lường cho phép các tổ chức và cá nhân đánh giá lượng khí CO2 mà họ phát thải vào bầu khí quyển. Mỗi tín chỉ thường tương ứng với một tấn CO2. Các doanh nghiệp có thể mua bán tín chỉ carbon nhằm cân bằng lượng khí thải của mình, từ đó đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thiết lập các cơ chế giao dịch tín chỉ carbon nhằm giảm thiểu khí thải. Liên minh châu Âu, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã triển khai các hệ thống tín chỉ carbon, yêu cầu các doanh nghiệp phải được cấp phép phát thải và có nghĩa vụ giảm thiểu lượng khí thải. Việt Nam, với các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã bắt đầu quan tâm đến tín chỉ carbon. Họ nhận ra rằng việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là một cơ hội kinh doanh mới.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ xanh và sản xuất sạch hơn để giảm lượng khí thải. Chẳng hạn, một số nhà máy đã áp dụng quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, thu hút khách hàng.

Một số doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, Masan hay TC Group đã tham gia vào các chương trình tín chỉ carbon. Họ hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai các dự án bảo vệ rừng, phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm khí thải mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Điển hình, TC Group đã thành lập Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN. Công ty này sẽ tập trung triển khai đầu tư vào các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu và khai thác tối đa tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ông nguyễn Võ Trường An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon Asean (Ảnh: Phan Chính)

Trao đổi với Doanhnghiephoinhap.vn, ông nguyễn Võ Trường An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon Asean thuộc TC group cho hay, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện còn rất mới và chưa được nhiều người dân cũng như doanh nghiệp quan tâm đầy đủ. Trong vòng hai năm qua, thông tin về tín chỉ carbon đã bắt đầu thu hút sự chú ý hơn. Kể từ năm 2018, một số dự án tín chỉ carbon đầu tiên ở Việt Nam đã được đăng ký với các tổ chức thẩm định quốc tế như Vera và Wortender. Tuy nhiên, thời điểm đó, cơ chế tín chỉ carbon còn chưa phổ biến và hầu như không có doanh nghiệp trong nước tiếp cận được.

Theo ông Trường An, đến nay, các quỹ đầu tư nước ngoài đã bắt đầu hợp tác với các doanh nghiệp có dự án có khả năng tạo ra tín chỉ carbon, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như: điện gió và điện mặt trời. Những quỹ này thường đầu tư vốn để đăng ký dự án tín chỉ carbon và sau đó nắm giữ quyền giao dịch các tín chỉ từ những dự án này, trả một khoản phí cho chủ dự án. Hiện tại, số lượng dự án này còn hạn chế và chủ yếu thuộc về các quỹ đầu tư nước ngoài.

“Vậy nên, Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) đã ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon với mục tiêu phát triển một thị trường tín chỉ carbon tự nguyện, minh bạch và kết nối với các sàn giao dịch quốc tế, nhằm tăng tính thanh khoản cho tín chỉ carbon tại Việt Nam. Tuy nhiên, với số lượng tín chỉ hiện có, khối lượng giao dịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong giai đoạn đầu, CCTPA tập trung vào tư vấn và hỗ trợ các tổ chức, đơn vị và cá nhân để đăng ký các dự án tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon Asean chia sẻ.

Ông cho biết, khách hàng ngày càng có xu hướng chọn sản phẩm từ những thương hiệu có trách nhiệm với môi trường. Do đó, việc sở hữu tín chỉ carbon không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có khả năng chứng minh rằng họ đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường có thể thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Thách thức và cơ hội khi doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ Carbon

Mặc dù thị trường tín chỉ carbon mở ra nhiều cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn là thiếu thông tin và kiến thức về tín chỉ carbon; nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ cơ chế hoạt động và các quy định liên quan. Hệ thống hạ tầng và chính sách hỗ trợ từ phía Việt Nam hiện vẫn chưa rõ ràng, làm nhiều doanh nghiệp e ngại khi đầu tư vào các dự án tín chỉ carbon.

Đầu tư vào công nghệ xanh và phát triển các dự án tín chỉ carbon đòi hỏi chi phí lớn, điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc huy động vốn. Rủi ro tài chính cũng là yếu tố cần cân nhắc.

Trong tương lai, khi nhận thức về biến đổi khí hậu gia tăng, tín chỉ carbon sẽ trở thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ và các tổ chức liên quan cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, bao gồm tổ chức đào tạo và cung cấp thông tin đầy đủ để doanh nghiệp tự tin hơn. Một khung pháp lý minh bạch và rõ ràng cũng cần được xây dựng để giảm thiểu rủi ro và khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh. Sự chuyển mình này không chỉ quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng và thế hệ tương lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH giao dịch tín chỉ carbon Tương lai, nhận định, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích đáng kể. Đầu tiên, doanh nghiệp có thể giảm chi phí tuân thủ bằng cách sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải vượt mức quy định, thay vì đầu tư vào công nghệ giảm phát thải nội bộ. Thứ hai, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp mà còn chứng tỏ cam kết với môi trường và phát triển bền vững.

Theo ông Nam, thị trường này khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và dự án giảm phát thải, từ đó nâng cao hiệu suất môi trường và khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng có thể tạo ra doanh thu từ việc bán tín chỉ carbon và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, xây dựng mối quan hệ đối tác giá trị. Những lợi ích này giúp doanh nghiệp không chỉ cải thiện hoạt động bền vững mà còn tận dụng cơ hội kinh doanh mới.

Đánh giá về những thách thức đối với thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, ông Nguyễn Võ Trường An, Tổng Giám đốc CCTPA khẳng định, hiện nay, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đối mặt với bốn thách thức chính. Đầu tiên là vấn đề về cơ chế pháp lý. Mặc dù tín chỉ carbon đã được đề cập trong Luật Môi trường 2020 và các nghị định, thông tư liên quan, quy định hiện hành vẫn chưa đủ rõ ràng để hướng dẫn việc khởi tạo và giao dịch tín chỉ carbon trong nước cũng như quốc tế, gây ra sự e ngại từ phía doanh nghiệp và các dự án.

Thứ hai, là thách thức về nguồn nhân lực. Việc thực hiện các dự án tín chỉ carbon đòi hỏi đội ngũ chuyên gia và nhân sự có kỹ năng cao, từ khâu thiết kế dự án cho đến thẩm định và báo cáo sau khi được cấp tín chỉ. Hiện nay, nguồn nhân lực chuyên môn vẫn còn hạn chế.

Thứ ba, là khó khăn về cung cầu. Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn non trẻ và thiếu tính thanh khoản. Để đạt được giá trị cao, cần phải có nguồn cung và cầu đủ lớn cùng với sự giao dịch liên tục. Hiện tại, do thị trường chưa đủ phát triển, việc đáp ứng yêu cầu cung cầu vẫn còn gặp khó khăn.

Cuối cùng, là thách thức liên quan đến công nghệ và tài chính. Đầu tư vào chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí lớn, và các công nghệ xanh thường đắt đỏ hơn so với các công nghệ khác. Điều này tạo ra áp lực tài chính đáng kể đối với doanh nghiệp và các dự án muốn tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.

Nghệ Nhân