Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn chưa mặn mà sàn giao dịch hàng hóa?

13:05 13/01/2024

Hiện nay, giá trị giao dịch hàng hóa qua sàn chiếm 24% tổng khối lượng giao dịch của các sản phẩm trên thế giới, riêng khu vực châu Á chiếm 56%. Chỉ số tại một số sàn giao dịch hàng hóa nổi tiếng đã trở thành kim chỉ nam cho thị trường thế giới.

Trên đây là một số thông tin mà ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cung cấp đến chương trình Hội thảo “Mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa- giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận” do Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập - Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.  

Theo đó, ông Tùng cho biết, tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) được Bộ Công Thương thành lập 2010. Với Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sàn giao dịch hàng hóa của Thủ tướng Chính phủ, hàng lang pháp lý cho các hoạt động mua bán theo hình thức này đã thực sự thông thoáng như các sàn giao dịch quốc tế. Do vậy, hoạt động giao dịch thông qua Sở Giao dịch hàng hóa trong những năm gần đây đã có nhiều biến chuyển. Hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có 26 mặt hàng thuộc năm nhóm hàng hóa được giao dịch và kết nối 8 Sở Giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Tính đến hết tháng 08/2023 đã có hơn 30 ngàn tài khoản đăng ký và thực hiện giao dịch. Thống kê của 8 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng.  

Ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu khai mạc tại hội thảo
Ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu khai mạc tại hội thảo.

“Những kết quả trên đây còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam chúng ta. Mua bán hàng hóa qua sàn là một hình thức kinh doanh mang lại nhiều lợi thế như nó khiến doanh nghiệp giao dịch nhanh chóng bằng điện tử nên chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể buôn bán với toàn thế giới, giảm thiểu rủi ro cho cả người bán lẫn người mua do có vai trò trung gian của các sở giao dịch, doanh nghiệp cũng có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không lo sự biến động giá cả của thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể tham gia kinh doanh, đầu tư hàng hóa phái sinh”- ông Phạm Hải Tùng nói.

“Chúng tôi tin rằng đây là giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” của ngành nông nghiệp Việt Nam đã tồn tại bấy lâu nay. Hơn nữa, đây là cũng hình thức rất phù hợp với xu hướng mở rộng giao thương quốc tế, giao dịch điện tử của Đảng và Nhà nước”, ông Tùng nhấn mạnh thêm. 

Sàn Giao dịch hàng hóa được khai sinh từ thế kỷ 18 và đến nay đã trở thành một kênh thương mại phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, hình thức giao dịch này chưa phát triển tương xứng với Việt Nam, về vấn đề này TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh cũng đã lý giải nguyên nhân mà các doanh nghiệp chưa hiểu rõ, ông cho rằng, rất nhiều người hiểu sai về khái niệm này dẫn đến việc Việt Nam chưa mặn mà nhiều trong khi thế giới áp dụng đã rất lâu. 

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh
TS. Võ Trí Thành -Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh.

“Có người nói cái sàn này giống sàn Forex hay có giống sàn chứng khoán không, thế thì có thể nói đây là sàn giao dịch hàng hóa cơ bản. Nếu nói giao dịch hàng hóa cơ bản như vậy thì nó xa xưa lắm rồi vì từ khi con người sản xuất nông nghiệp ra sản phẩm và có doanh thu thì bản chất những dòng tiền là đầu tư tài chính và được hậu thuẫn bởi sản xuất và truân chuyển những dòng hàng hóa cơ bản, nó chẳng khác chợ”- ông Thành nói. “Tuy nhiên, sàn cao cấp hơn bởi 2 lý do, nó là thị trường với đầy đủ thông tin cạnh tranh, hạn chế những thông tin bất đối xứng giữa người mua và người bán, vai trò trong thị trường có hiệu quả cao nhất… Đây được gọi là thị trường cao cấp mà buộc các doanh nghiệp phải học hỏi để có thể đứng vững trong tình hình mới phát triển không ngừng như hiện nay”.

TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng
TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng.

Cùng quan điểm này, TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng nói rằng, việc đảm bảo an toàn, thanh khoản trong mua bán khối lượng lớn hàng hóa, an toàn về giá cả, chuẩn về chất lượng là hết sức cần thiết cho các doanh nghiệp. Dù sàn giao dịch hàng hóa đã có từ rất lâu và phát triển mạnh mẽ tại các nước châu Âu, Mỹ, tuy nhiên ở Việt Nam hình thức này vẫn còn chưa được định hình rõ. Hiện thế giới có hơn 100 sàn giao dịch hàng hóa với các đơn vị lớn như ICE, LIFE, Chicago...Riêng khu vực châu Á, các sàn giao dịch hàng hóa chỉ mới nổi lên từ sau năm 1990 và đến nay cũng đã có 46 sàn giao dịch với các dòng sản phẩm chủ yếu như nông sản, năng lượng, kim loại…

Là một doanh nghiệp lâu năm lại xuất thân là người con của quê hương Tây Nguyên, ông Lương Tuấn Vũ - CEO Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi - thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc “giải cứu” cho bà con nông dân. “Những người nông dân chúng ta có thể phát triển được như những người nông dân thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản… hay không. Những nước phát triển trên thế giới, họ trước khi trồng ra một sản phẩm như ngô, khoai, sắn hay đậu tương, cafe, lúa mì…thì họ đều xác định xem trên sàn trong số các mặt hàng thì sản phẩm nào là phù hợp với mảnh đất họ làm và lợi nhuận là bao nhiêu...”, ông Vũ chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ông Lương Tuấn Vũ - CEO Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi.

Cũng theo ông Vũ: Tại Tây Nguyên, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nhà thấy cà phê giá cao thì đua nhau chặt tiêu, chặt điều đi trồng cà phê, rồi thấy cao su giá cao thì chặt cà phê, chặt tiêu, chặt những cây khác để trồng cao su, rồi cứ một vòng luẩn quẩn. Thậm chí ở Tây Nguyên vài năm vừa qua lại rộ lên tình trạng trồng chanh dây. Lúc đầu chanh dây đầu cơ lên 60.000đ/kg, bây giờ về 45.000/kg không ai muốn bán nữa nhưng mà chanh dây không bán thì cũng không để ăn hết được vài hôm thì nó cũng hư. Đó chính là những việc bất cập của người dân cũng như là doanh nghiệp mua bán khi mà chính những doanh nghiệp của chúng ta lại làm thương lái cho Trung Quốc…

Doanh nhân Trần Quốc Cường - Giám đốc Công ty CP Huy Thành Đạt
Doanh nhân Trần Quốc Cường - Giám đốc Công ty CP Huy Thành Đạt.

Cũng tại buổi hội thảo, doanh nhân Trần Quốc Cường - Giám đốc Công ty CP Huy Thành Đạt hoạt động trong lĩnh vực thép cũng kể về công ty của ông sau khi đại dịch Covid 19 bắt đầu được kiểm soát, nền kinh tế bắt đầu phục hồi đã tạo ra một đợt tăng giá hàng hóa mới, một điều chưa từng được chứng kiến trước đây. Nhu cầu kim loại thế giới đã tăng đáng kể từ quý 1/2021 khi hàng loạt quốc gia đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, qua đó kích thích các nhà sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Giá kim loại cũng bắt đầu tăng mạnh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chúng tôi trong năm 2021 vì thế cũng gián tiếp được hưởng lợi.

“Tuy nhiên, nhu cầu thị trường thép trong nước quay đầu giảm mạnh vào năm 2022 do ảnh hưởng mạnh từ thị trường bất động sản đóng băng bởi các chính sách tín dụng bất động sản siết chặt; thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn; lãi suất tăng cao…Tiêu thụ chậm khiến doanh nghiệp chúng tôi phải điều chỉnh cắt giảm sản lượng hàng nhập, liên tục điều chỉnh giảm giá bán, tồn kho luôn ở mức cao... Doanh số bắt đầu giảm mạnh, hoạt động kinh doanh đối diện với rất nhiều rủi ro về giá bán, thậm chí thua lỗ nặng”, ông Cường chia sẻ.

Vì thế, ông Cường cho rằng, giải pháp phòng vệ rủi ro về giá thép xử lý ngay được vấn đề đảm bảo giá trị hàng tồn kho, cố định chi phí đầu vào và cố định được biên lợi nhuận đầu ra. Hoạt động phòng vệ rủi ro về giá được thực hiện thông qua sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam khi cung cấp cho doanh nghiệp quyền được kết nối giao dịch với các Sở Giao dịch hàng hóa Kim loại lớn trên thế giới như LME, NYMEX … Thông qua sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, công ty của ông cũng dễ dàng cập nhật biến động của giá kim loại thế giới theo thời gian thực, công tác dự báo giá vì thế cũng được cải thiện rất rõ rệt.

Phần thảo luận của các diễn giả và doanh nghiệp
Phần thảo luận của các diễn giả và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề xuất Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cần xây dựng chính sách về phí giao dịch và chính sách ký quỹ linh hoạt hơn. Giảm mức trần phí giao dịch và phí thành viên, tạo điều kiện cho các thành viên kinh doanh có thể giảm phí giao dịch cho khách hàng tốt hơn. Đối với tài khoản khách hàng cá nhân mức ký quỹ có thể áp dụng như khách hàng tổ chức và bằng với mức ký quỹ theo quy định của các sàn quốc tế. MXV hiện nay mới chỉ thực hiện được chức năng tổ chức vận hành, trung gian kết nối với các sàn giao dịch quốc tế, đơn thuần mới chỉ là một tổ chức môi giới trung gian. Các chức năng và vai trò lớn hơn hiện tại MXV chưa thực hiện được. Đề xuất trong thời gian tới MXV cần nâng cao vai trò về tổ chức thị trường, nghiên cứu đưa được một số sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lên sàn giao dịch và tiến tới hỗ trợ được cho khác hàng doanh nghiệp thực hiện được việc giao nhận hàng thực, đảm bảo gắn với giá hàng hóa trong nước sát với giá hàng hóa quốc tế.

Hơn 600 doanh nghiệp tham gia cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương...
Hơn 600 doanh nghiệp tham gia cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương....

Các Bộ, ban ngành có trách nhiệm tư vấn chính sách cho Chính phủ cần bám sát thực tiễn thị trường. Phát triển sản phẩm mới cần có hành lang pháp lý đi trước để đảm bảo thị trường vận hành thuận lợi, đúng định hướng của nhà nước và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho khách hàng và nhà đầu tư.

Sản phẩm phái sinh hàng hóa là sản phẩm tài chính bậc cao, đòi hỏi nhà đầu tư tham gia phải có kiến thức chuyên môn về tài chính, ngành nghề, kinh tế, phân tích kỹ thuật,… Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo kiến thức phái sinh hàng hóa hầu hết mới chỉ do các công ty giao dịch hàng hóa thực hiện, việc đào tạo cũng chưa được bài bản, kiến thức đào tạo cũng chưa được chuẩn hóa. Vì vậy việc phổ cập, phổ biến hàng hóa ra cộng đồng chưa được rộng rãi, chưa được sự đón nhận của đa phần các tầng lớp trong xã hội. Kiến nghị trong thời gian tới, các Bộ ban ngành, MXV, các công ty hàng hóa cần phối hợp xây dựng một bộ tài liệu giảng dạy chuẩn chỉnh về kiến thức đồng thời mở được các trung tâm đào tạo được chứng nhận có chất lượng cao để hỗ trợ kiến thức cho nhà đầu tư và đảm bảo tính phổ cập sản phẩm ra công chúng.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Uyển Nhi