Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho các tội phạm về động vật hoang dã

08:26 14/09/2022

Ông Thomas Lyons, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL) cho rằng, Việt Nam hiện là điểm đến hàng đầu cho các tội phạm về sừng tê giác và các sản phẩm, bộ phận của hổ, ngà voi, vảy tê tê.

Ngày 13/9, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Thomas Lyons, Giám đốc Văn phòng INL, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết: Trên thế giới, ước tính tội phạm xuyên quốc gia về môi trường gây thiệt hại từ 70 tỷ đến 200 tỷ đô la một năm với mạng lưới tội phạm chính trải dài khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Ngoài tác động tàn phá của nó đối với hệ sinh thái và động vật, tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) còn là mối đe dọa trực tiếp đối với nền pháp quyền và trật tự quốc gia. Các tội phạm này tạo tiền đề cho các loại tội phạm khác như tham nhũng, rửa tiền, buôn lậu quốc tế và thương mại bất hợp pháp. Điều này không chỉ là mối đã dọa đối với sự giàu mạnh, độc lập của Việt Nam mà còn là ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và an ninh trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa
Ông Thomas Lyons, Giám đốc Văn phòng INL, Đại sứ Quán Mỹ tại Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. 

“Việt Nam hiện là điểm đến hàng đầu cho các tội phạm về sừng tê giác và các sản phẩm, bộ phận của hổ, ngà voi, vảy tê tê. Việt Nam cũng được biết đến là một quốc gia trung chuyển chính ĐVHD với hàng tấn sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp được nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm”, ông Thomas Lyons khẳng định.

Cũng theo ông Thomas Lyons, Bộ Ngoại giao Mỹ đang nỗ lực nâng cao năng lực và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ hải quan và các lực lượng chức năng khác của các nước, trong đó có Việt Nam nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép.

Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp quan trọng để xử lý nạn buôn bán ĐVHD; nâng mức hình phạt đối với tội phạm về ĐVHD. Đối tượng buôn bán trái phép ĐVHD có thể bị phạt tù đến 15 năm và phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng.

“Các hình phạt cao và các công cụ pháp lý đã có đủ. Điều cần thiết hiện tại là đảm bảo những chế tài nghiêm khắc này được thực thi bởi những nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn tội phạm về ĐVHD và đưa những đối tượng buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia này ra xét xử”, ông Thomas Lyons khuyến nghị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm ENV thông tin, Việt Nam hiện đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD đã được cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Vì vậy cần ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.

“Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD hiện tại vừa chưa rõ ràng vừa không đủ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Vì vậy, cần ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này”, bà Hà nói.

Cụ thể, cần bảo đảm tất cả các loài ĐVHD không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại. Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại được cập nhật hàng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học, đảm bảo tạo điều kiện cho người nuôi.

Ông Nguyễn Quảng Trường, chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khuyến nghị, để phát triển bền vững nghề gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại cần có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi; có đánh giá và dự báo thị trường; có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro; quản lý và giám sát hiệu quả. Những loài nên đưa vào nuôi thương mại là các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.

Hà Anh