Xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2020: Phú Thọ đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố; đứng đầu khu vực Trung du- miền núi phía Bắc

17:00 25/06/2021

Ngày 24/6/2021, đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2020, Chỉ số PAR INDEX của tỉnh Phú Thọ đạt 85,74 điểm (năm 2019 đạt 82,01 điểm), tăng 10 bậc và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Phú Thọ
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Phú Thọ. 

 Theo báo cáo Chỉ số PAR INDEX năm 2020, trong 8 chỉ số thành phần thì có 2 chỉ số của Phú Thọ tăng điểm mạnh so với năm 2019 là: “Hiện đại hóa hành chính” đạt 13,05 điểm (năm 2019 là 10,82); “Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh” đạt 13,58 điểm (năm 2019 là 12,60 điểm).

3 chỉ số tăng điểm là: “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính” đạt 7,88 điểm (năm 2019 là 6,61 điểm); “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đạt 10,93 điểm (năm 2019 đạt 10,92 điểm); “Cải cách tài chính công” đạt 10,60 điểm (năm 2019 là 9,74 điểm).

Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đứng đầu với kết quả đạt 91,04 điểm, cao hơn 0,53 điểm so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng, đạt 90,51 điểm. Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả đạt 73,25 điểm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì năm thứ 6 đứng đầu bảng PAR INDEX các bộ, ngành với 95,88 điểm. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số này là Bộ Giáo dục và Đào tạo với 83,24 điểm.

Đối tượng xác định Chỉ số PAR INDEX năm 2020 bao gồm 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trong đó, có 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại); 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số được đánh giá thông qua triển khai điều tra xã hội học với quy mô trên 22.500 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành, địa phương và trên 36.600 người dân, đại diện tổ chức, một số hội, hiệp hội.

Về Chỉ số SIPAS, tỉnh Quảng Ninh có chỉ số cao nhất là 95,76% và Bình Thuận có chỉ số thấp nhất với 75,68%.

Đây là năm thứ tư Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức, dựa trên khảo sát ý kiến của gần 35.268 người dân và tổ chức từ hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp xã thuộc hơn 600 đơn vị hành chính cấp huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Việc đánh giá công tác thực hiện cải cách hành chính, sự hài lòng về sự phục vụ hành chính có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, giúp các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được thực trạng chất lượng dịch vụ công, nhu cầu, mong đợi của người dân và tổ chức để xác định, thực hiện những biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân và tổ chức, mang lại sự hài lòng cho người dân và tổ chức.

Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính và chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế: Một số địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác cải cách hành chính; tính khả thi và kịp thời trong xử lý vướng mắc, bất cập khi tổ chức triển khai các văn bản pháp luật chưa cao; chậm công bố, công khai, cập nhật các thủ tục hành chính; kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức khiêm tốn; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3 và 4 còn thấp…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu: Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương rà soát, ban hành chương trình, kế hoạch và các giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Đồng thời tiếp tục khắc phục khó khăn thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong đó có hoạt động cải cách hành chính, hướng tới xây dựng thành công nền hành chính hiện đại.

Đồng chí đề nghị: Các Bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; chủ động nghiên cứu, thí điểm hoặc nhân rộng các mô hình cải cách mới có hiệu quả, phù hợp. Đồng thời, tăng cường rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách hiệu quả, thực chất; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính mới, đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo các nghị định của Chính phủ đã ban hành trong năm 2020, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo quy định.

PV