Xuất khẩu da giày năm 2024 có thể đạt 26 - 27 tỷ USD

10:34 28/08/2024

Hiện Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu giày dép, đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD trong năm 2024.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 10,147 tỷ USD, tăng 10,4%, và xuất khẩu túi xách đạt 1,621 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp 77,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này, trong đó giày dép chiếm 79,3% và túi xách chiếm 70%.

Từ cuối năm 2023, nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu ngành da giày đã phục hồi mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024. Ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính, chiếm 97,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 41,4% đối với giày dép và 47% đối với túi xách. Tiếp theo là EU, chiếm 29,5% về giày dép và 25,4% về túi xách. Châu Á hiện chiếm 22,2% về giày dép và 24,5% về túi xách.

Xuất khẩu da giày năm 2024 có thể đạt 26 - 27 tỷ USD
Xuất khẩu da giày năm 2024 có thể đạt 26 - 27 tỷ USD.

Xuất khẩu da giày sang 16 quốc gia lớn nhất, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, và các nước châu Âu, chiếm trên 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Đáng chú ý, ngành da giày đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như EVFTA với mức tăng 23,8%, CPTPP tăng 13,9%, và ASEAN tăng 2,4%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các nước thuộc EAEU không đạt được do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraina.

Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023, và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD trong năm 2024.

Trong chiều ngược lại, 7 tháng đầu năm 2024 ghi nhận nhập khẩu thiết bị đạt 85,9 triệu USD, tăng 218% so với cùng kỳ năm 2023, và nhập khẩu da thuộc đạt 1.068 triệu USD, tăng 15,5%. Những con số này cho thấy sự phục hồi đầu tư và sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cảnh báo rằng, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều quốc gia nhập khẩu lớn đã đưa ra các yêu cầu mới về trách nhiệm xã hội và môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ, từ tháng 3/2024, EU đã áp dụng các quy định mới như thiết kế sinh thái và minh bạch chuỗi cung ứng.

Dù Hải Phòng là một trong các trung tâm công nghiệp da giày truyền thống, ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, cho biết, các doanh nghiệp giày dép địa phương vẫn chưa tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI hoặc chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghệ sản xuất của ngành vẫn còn ở mức trung bình, chủ yếu nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Ý.

Ngành da giày Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nếu không đáp ứng được các quy định của các hiệp định thương mại tự do và không bắt kịp xu hướng sản xuất xanh, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Việc gia tăng xuất khẩu về lượng nhưng chưa cải thiện nhiều về chất có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành trên thị trường quốc tế trong tương lai.

P.V (t/h)