Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2021 giảm hơn 31% về khối lượng

10:40 23/03/2021

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết tổng khối lượng gạo xuất khẩu hai tháng đầu năm 2021 đạt 638.000 tấn với giá trị 352 triệu USD, giảm 31,4% về khối lượng và giảm 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Lượng gạo xuất khẩu tháng 2/2021 ước tính đạt 290.000 tấn với giá trị đạt 160 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu hai tháng đầu năm 2021 đạt 638.000 tấn với giá trị 352 triệu USD giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 352 triệu USD
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 352 triệu USD. (Ảnh: internet)

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản xuất khẩu gạo giảm do thời điểm đầu năm chưa phải là dịp cao điểm nhập khẩu vì thương nhân thường mua dự trữ trước dịp Tết. Mặt khác, nguồn cung gạo trong nước cũng ở mức thấp do việc thu hoạch vụ Đông Xuân chưa vào chính vụ, giá lúa gạo đang ở mức cao khiến thương nhân thu mua và đối tác nước ngoài đều có tâm lý chờ giá gạo giảm. Việc thiếu hụt container rỗng đẩy giá cước vận chuyển tăng cao cũng khiến hoạt động xuất khẩu gạo có nhiều hạn chế.

Trên thị trường thế giới, trong tháng 2/2021, giá gạo Việt Nam đạt 513 USD/tấn vào đầu tháng, tuy nhiên đến giữa tháng giảm xuống còn khoảng 508 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt 405 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 396 USD/tấn vào cuối tháng.

Chỉ tính riêng tháng 1/2021, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 47,6% thị phần, đạt 169.900 tấn với giá trị 91,4 triệu USD, tăng 25,6% về khối lượng và tăng 48,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, một số thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Gana (gấp 3,13 lần), Trung Quốc (gấp 2,8 lần) và Australia (2,6 lần). Bình quân giá gạo xuất khẩu tháng 1 đạt 551,7 USD/tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Chế biến cho biết tình hình xuất khẩu gạo sẽ được cải thiện tích cực hơn bởi cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 là thời điểm nông dân thu hoạch vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, nguồn cung lúa gạo dồi dào có thể khiến giá lúa gạo trong nước giảm nhẹ. Mặt khác, việc Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu gạo với mức giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng gây áp lực lên giá gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

 T.N