70% người dùng đồng ý xác thực sinh trắc học giúp tăng an toàn cho giao dịch trực tuyến

09:53 06/07/2024

Theo khảo sát của Cốc Cốc được đưa ra hôm 5/7, về vấn đề an toàn khi sử dụng sinh trắc học, 70% đồng ý xác thực sinh trắc học có thể làm tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Khảo sát của Cốc Cốc được thực hiện trực tuyến từ ngày 1 đến 4/7, đi sâu vào phân tích “phản ứng” của người dùng, cũng như những quan điểm về lợi ích và lo ngại liên quan đến quy định về việc xác thực sinh trắc học, liên quan đến Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7.

Theo kết quả công bố trưa 5/7, việc truyền thông về quy định xác thực sinh trắc học tới người dân đã mang lại những hiệu quả tích cực khi có đến 94% người dùng tham gia khảo sát đã biết đến quy định này. Trong đó, mạng xã hội và các ứng dụng/ngân hàng chiếm ưu thế, là các kênh thông tin phổ biến nhất.

Báo chí với tỉ lệ tiếp cận khá cao tới 37%, cho thấy sự tin tưởng của người dân vào nguồn tin chính thống và chi tiết. Truyền hình với 24,6%, tuy ít phổ biến hơn, nhưng vẫn là kênh tiếp cận quan trọng, đặc biệt đối với những người dùng truyền thống và người lớn tuổi.

3 / 3

Báo cáo khảo sát. Ảnh: Cốc Cốc
Báo cáo khảo sát. Ảnh: Cốc Cốc.

Theo khảo sát, có 75,4% người dùng đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học.Tuy nhiên, do khảo sát được thực hiện ngay sau thời điểm quy định được áp dụng nên có một bộ phận người dùng chưa thể xác thực thành công.

Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ người dùng xác thực sinh trắc học thành công cao nhất.

Khu vực miền Nam (trừ thành phố Hồ Chí Minh) và khu vực miền Trung có tỷ lệ người dùng gặp khó khăn trong việc cài đặt sinh trắc học cao hơn so với các khu vực khác (gần 30% chưa thực hiện thành công bất kỳ ngân hàng nào).

Về trải nghiệm người dùng, có hơn 40% đáp viên cảm thấy quá trình thu thập sinh trắc học là rất dễ dàng/dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có hơn 30% người dùng cảm thấy việc thực hiện này rất khó khăn/khó khăn.

Tuy vậy quá trình này cũng có không ít vấn đề phát sinh, gây ra những khó khăn nhất định cho người dùng. Gần 2/3 người dùng gặp vấn đề khi thực hiện cập nhật sinh trắc học. Trong số đó, có tới 44% người dùng gặp từ 2 vấn đề trở lên. Người dùng thường gặp phải các vấn đề liên quan căn cước công dân, nhận diện khuôn mặt, thiết bị, thông tin hướng dẫn hay thậm chí là phải ra ngân hàng mới thực hiện được.

Có 60% người dùng cảm thấy việc sử dụng xác thực sinh trắc học tiện lợi hơn so với phương pháp truyền thống như sử dụng mật khẩu/mã OTP/faceID/mã PIN/câu hỏi bảo mật/xác thực qua email. Nhưng vẫn có 13,7% cho rằng, đây là một phương pháp không tiện lợi bằng. Đặc biệt, số liệu từ khảo sát chỉ ra rằng, tỉ lệ người dùng đánh giá “tiện lợi” của các khu vực khác cao hơn so với người dùng sống tại Hà Nội và TPHCM.

Khi được hỏi về vấn đề bảo mật thông tin khi áp dụng sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, có hơn 36% người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật, hơn 42% ở trạng thái trung lập và hơn 20% còn lại không lo ngại.

Đặc biệt, có tới 50% người dùng 35-44 tuổi lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng xác thực sinh trắc học, trong khi tỉ lệ này ở các nhóm tuổi khác dao động từ 24%-39%.

Về vấn đề an toàn khi sử dụng sinh trắc học, 70% đồng ý xác thực sinh trắc học có thể làm tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến.

Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (gồm internet banking và mobile banking) khá cao và đồng đều ở mọi nhóm tuổi và khu vực. Nhóm tuổi 22-24 chiếm tỷ lệ cao nhất với 77,8%.

Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận tỷ lệ người dùng cao hơn so với các khu vực khác.

50% người tham gia khảo sát cho biết có sử dụng dịch vụ của 2 ngân hàng trở lên; tốp 5 ngân hàng có người dùng sử dụng dịch vụ trực tuyến nhiều nhất là Vietcombank, BIDV, MB, Agribank, VietinBank.

Phương Anh (t/h)