Khánh thành Chùa Cầu, Hội An bị áp lực dư luận?

14:24 29/07/2024

Dự kiến chiều 03/8/2024, trong khuôn khổ sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20, chính quyền thành phố Hội An sẽ khánh thành di tích Chùa Cầu sau 19 tháng trùng tu.

Tuy nhiên, loạt thông tin dư luận đã bùng nổ quanh quá trình tu bổ công trình này, với nhiều ý kiến nghi ngại việc trùng tu làm “sai lệch nguyên bản”.
Hình ảnh Chùa Cầu mới được tu bổ
Hình ảnh Chùa Cầu mới được tu bổ.

Chiều 28/7/2024, chính quyền thành phố Hội An đã phát thông cáo báo chí về công cuộc trùng tu, khánh thành Chùa Cầu, với hy vọng nói rõ những quan điểm, chủ trương chính yếu về tu bổ di tích. Nhiều lãnh đạo địa phương liên tục nhận điện thoại, kết nối từ báo giới đề nghị làm rõ thông tin về dự án.

Cố gắng giữ nguyên tổng thể và từng chi tiết!

Đại diện chính quyền thành phố Hội An nhấn mạnh với báo giới, Chùa Cầu với hơn 400 năm tồn tại, đã là biểu tượng lịch sử văn hóa quan trọng của Hội An và của cả nền di sản văn hóa Việt Nam, một biểu trưng không chỉ thuộc về niềm tự hào của người dân Hội An, mà còn là của đất nước, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác với các quốc gia liên quan, trong đó nổi bật là Nhật Bản.

Cho nên, chạm đến Chùa Cầu, là chính quyền địa phương cùng đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật, kiến trúc sư tham gia phải đối mặt nhiều áp lực căng thẳng, mọi yêu cầu, nguyên tắc bảo tồn một cách khắt khe nhất. Điều này đã được đội ngũ tham dự dự án nhận thức và nhất quán hành động công tâm, khách quan nhất, cùng đề ra những giải pháp, cách thức chỉn chu, thận trọng nhất với công trình.

Trước khi triển khai, dự án đã thực hiện các công đoạn rà soát, sao chụp, nghiên cứu đầy đủ chi tiết Chùa Cầu, với tinh thần phải “giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể”. Suốt 19 tháng trùng tu, công trình đã tiếp nhận rất nhiều thắc mắc từ dư luận; đã thi công công khai để mọi người dân tiếp cận, theo dõi công trường; và đã phải tạm dừng thi công 3 tháng khi có những thông tin bất đồng về một số chi tiết hạng mục ở Chùa Cầu… để tiếp thu những ý kiến chuẩn xác, tích cực nhất.

Mặt Chùa Cầu sau tu bổ được giữ nguyên hiện trạng như các lần tu bổ trước
Mặt Chùa Cầu sau tu bổ được giữ nguyên hiện trạng như các lần tu bổ trước.

Với tinh thần đó, chính quyền Hội An và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khẳng định đã tổ chức thi công Chùa Cầu “một cách bài bản, khoa học, vừa giữ gìn được những yếu tố nguyên gốc, vừa đảm bảo ổn định kết cấu lâu dài cho di tích”. Toàn bộ hồ sơ quá trình làm việc được Trung tâm này biên soạn thành ấn phẩm riêng, phát hành khi khánh thành, để trở thành tài liệu cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách và người dân Hội An nhìn nhận thấu đáo về dự án tu bổ Chùa Cầu; cũng như sẽ là một phần dữ liệu lưu trữ cho các thế hệ mai sau về quản lý bảo tồn, phát huy di tích Chùa Cầu.

Nhận xét của chính quyền thành phố Hội An, là Chùa Cầu đã được trùng tu, tôn tạo đúng tinh thần và bảo toàn nguyên vẹn nhất, ngoại trừ hình thái, màu sắc bề ngoài trông tươi mới hơn, còn nội tại từng chi tiết đều được tu bổ ngyên vẹn. Địa phương thống kê: gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… tại công trình này đã được gìn giữ, tái định vị nguyên trạng sau khi tu bổ.

Một bức ảnh tư liệu cũ về Chùa Cầu thể hiện có hành lang đi bộ trên cầu, để người dân ngồi nghỉ ngơi
Một bức ảnh tư liệu cũ về Chùa Cầu thể hiện có hành lang đi bộ trên cầu, để người dân ngồi nghỉ ngơi.

Vẫn còn những khúc mắc?

Tuy nhiên, chưa thống nhất với thông tin từ chính quyền, một số nhà khảo cứu, kiến trúc sư… tại Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn đưa các ý kiến ngờ vực, khúc mắc về hiệu quả trùng tu Chùa Cầu. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nguyên Trưởng Phòng nghiệp vụ Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho rằng, việc tu bổ công trình tất nhiên đảm bảo các tiêu chuẩn hiện trạng, nguyên bản, nhưng cần xác định Chùa Cầu được phục dựng với “nguyên bản” nào.

Công trình này đã trải qua 7 lần trùng tu sửa chữa, nhiều lần gia cố nhỏ… trong bao năm qua. Trong đó, có những lần, công tác tu bổ vì thiếu điều kiện kỹ thuật, vật tư vật liệu và cả do năng lực chuyên môn về bảo tồn bảo tàng bị hạn chế, nên có sai lệch nhất định. Thành ra, ông Thượng Hỷ mong các nhà khoa học sẽ tham vấn các tư liệu lịch sử để cải tạo lại công trình một cách chân xác nhất.

Cụ thể Chùa Cầu là công trình văn hóa phục vụ đời sống người dân sở tại, trong đó có dấu ấn kiến trúc văn hóa Nhật và Trung Quốc, nhất là những dấu vết kiến trúc chùa – cầu Phúc Kiến, địa phương có quan hệ lịch sử sâu đậm với Hội An. Nguyên bản Chùa Cầu, có không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân đi lại, ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh… như một số công trình tại Phúc Kiến hiện vẫn còn. Hạng mục này từng bị bỏ qua ở những lần trùng tu trước đây, nên với tinh thần tôn trọng bản thể, việc trùng tu cần xem xét trả lại không gian sinh hoạt đó, nhất định định vị rõ Chùa Cầu là công trình đi bộ của đời sống người dân.

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, các ý kiến của những kiến trúc sư kỳ cựu với công trình Chùa Cầu, vì thế cần được ghi nhận rõ ràng hơn. Tại các hội thảo trong quá trình trùng tu di tích, địa phương cũng một số lần đối thoại tiếp thu các ý kiến này. Nhưng đến nay, khi công trình đã hoàn thành, những ghi nhận đó chưa được thể hiện, đã tạo nên dư luận nghi hoặc tính khách quan, khoa học tại dự án trùng tu bảo tồn Chùa Cầu.

Hơn nữa, theo ghi nhận báo chí, phản hồi của địa phương về kết quả trùng tu, chỉ chú ý trả lời về vấn đề màu sắc Chùa Cầu “tươi mới hơn”, điều cũng từng xảy ra với nhiều công trình phục chế tu bổ tương tự, gần đây nhất là dự án Cầu Ngói Thanh Toàn tại Huế. Các bên tư vấn đều cho rằng, việc tu bổ lại di tích có sự hiện diện vật liệu mới, chắc chắn luôn làm công trình “trẻ hóa”, thậm chí một số chi tiết vật liệu phải thay đổi. Nhưng, dù dự án Chùa Cầu cam kết không tạo thay đổi lớn về chất liệu, hiện trạng kiến trúc hay cảnh quan nhìn từ bên ngoài, những ý kiến khúc mắc từ dư luận vẫn đang xuất hiện, tạo áp lực không nhỏ với những người làm chuyên môn, và chính quyền thành phố Hội An.

Nguyên Đức