Mỹ cấp 1,7 tỷ USD để hỗ trợ mở rộng hoặc hồi sinh các cơ sở sản xuất xe điện

10:47 15/07/2024

Chính phủ Mỹ không nêu chi tiết liên quan đến gói tài trợ này, nhưng cho biết khoản đầu tư trích từ Đạo luật Giảm Lạm phát sẽ hỗ trợ sản xuất xe điện và “cứu” 15.000 việc làm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nằm trong chương trình nghị sự Đầu tư vào Mỹ của Tổng thống Biden, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) vừa công bố gói kinh phí 1,7 tỷ USD để hỗ trợ chuyển đổi 11 cơ sở sản xuất và lắp ráp ô tô đã đóng cửa hoặc gặp rủi ro trên khắp 8 tiểu bang - Michigan, Ohio, Pennsylvania, Georgia, Illinois, Indiana, Maryland và Virginia - để sản xuất xe điện và chuỗi cung ứng.

Thông báo này phản ánh cam kết sâu sắc của Tổng thống Biden trong việc tái đầu tư và hồi sinh các cộng đồng sản xuất và công nhân đã giúp xây dựng tầng lớp trung lưu của Mỹ. Những khoản đầu tư này sẽ tạo ra và duy trì hàng nghìn việc làm công đoàn được trả lương cao, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng ô tô Mỹ đã thúc đẩy nền kinh tế Mỹ qua nhiều thế hệ. Họ thực hiện cam kết của Tổng thống nhằm đảm bảo tương lai của ngành công nghiệp ô tô được tạo ra ở Mỹ bởi các công nhân công đoàn Mỹ và nước Mỹ sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trong thế kỷ 21.

Chính phủ Mỹ không nêu chi tiết liên quan đến gói tài trợ này, nhưng cho biết, khoản đầu tư trích từ Đạo luật Giảm Lạm phát sẽ hỗ trợ sản xuất xe điện và “cứu” 15.000 việc làm.

Thông báo cũng là nỗ lực mới nhất của chính quyền ông Biden nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ đã cảnh báo rằng tình trạng dư thừa sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tạo ra làn sóng hàng hóa giá rẻ và có khả năng gây tổn hại cho các ngành công nghiệp năng lượng sạch đang phát triển ở những nước khác.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết, cộng đồng sản xuất nước này đang gặp khó khăn khi người lao động  mất việc làm do cạnh tranh từ nước ngoài và sự thay đổi trong ngành công nghiệp.

Bà Granholm lưu ý rằng, nguồn tài chính mới giúp đảm bảo ngành công nghiệp ô tô của Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh. 

John Podesta, Cố vấn cấp cao của Tổng thống về Chính sách Khí hậu Quốc tế, cho hay: “Tổng thống Biden đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế năng lượng sạch mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Quyết định mới nhất của Bộ Năng lượng giúp hiện thực hóa tầm nhìn đó bằng cách đầu tư vào tương lai của ngành ô tô, tạo ra hàng nghìn việc làm cho công đoàn được trả lương cao và giải quyết mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm ô nhiễm từ ngành giao thông vận tải”.

Theo nhiều nguồn tin, Tập đoàn Stellantis là “kẻ chiến thắng” lớn nhất trong đợt trợ cấp lần này của chính quyền Mỹ. Trong đó, nhà máy Belvidere Assembly đặt tại tiểu bang Illinois (Mỹ) sẽ nhận được gần 335 triệu USD để chuyển đổi thành khu phức hợp điện hóa, trong khi nhà máy sản xuất động cơ Kokomo ở tiểu bang Indiana (Mỹ) của tập đoàn này cũng nhận gần 250 triệu USD để chuyển sang sản xuất các mô - đun truyền động điện.

Trước đó, nhà máy Belvidere Assembly của hãng xe Chrysler thuộc Tập đoàn Stellantis từng phải dừng hoạt động vô thời hạn kể từ tháng 2/2023, khiến khoảng 1.000 nhân sự rơi vào cảnh thất nghiệp.

General Motors được báo cáo là sẽ nhận khoảng 500 triệu USD từ chương trình nói trên để chuyển đổi nhà máy Lansing Grand River Assembly (Michigan, Mỹ) thành một trung tâm xe điện. Hiện, cơ sở này đang là nơi phụ trách xuất xưởng các dòng CT4 và CT5 của thương hiệu Cadillac.

Theo Carscoops, một số hãng xe khác cũng nhận được các khoản tài trợ bao gồm Blue Bird, Cummins, Harley-Davidson, ZF và Volvo Group. Nhà cung cấp phụ tùng American Autoparts cũng nhận được gần 33 triệu USD để hỗ trợ sản xuất một chiếc bán tải PHEV mới, nhiều khả năng là mẫu Jeep Gladiator 4xe vừa được Jeep công bố hồi đầu năm.

Phương Ly (T/h)