Phát triển hạ tầng thương mại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Phú Thọ

08:19 22/10/2022

Từ năm 2016 đến nay, khu vực thương mại, dịch vụ của tỉnh Phú Thọ có những bước chuyển biến và tăng trưởng tương đối nhanh so với các tỉnh trong khu vực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sự chuyển biến rõ nét nhất trước hết phải kể đến hoạt động kinh doanh thương mại với hạ tầng phát triển rộng khắp; hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại được phân bố hợp lý, hiệu quả và tiếp tục vươn “cánh tay” mở rộng đến các địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hoá, phục vụ tốt nhu cầu thị trường, mang lại diện mạo mới cho thương mại địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 5 trung tâm thương mại lớn, 15 siêu thị và nhiều cửa hàng tiện ích; 197 chợ bao gồm ba chợ hạng I, chín chợ hạng II và 113 chợ hạng III, 72 chợ hạng IV. Các siêu thị được đầu tư tăng thêm chủ yếu nằm trên địa bàn thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, trung tâm các huyện và đã có nhiều của hàng tiện ích được đầu tư tại trung tâm các cụm xã.

Cùng với sự phát triển của các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn có 20.000 cửa hàng bán lẻ trong các khu dân cư. Giá trị hàng hóa qua chợ trung bình chiếm khoảng 35- 40% góp phần vào việc tiêu thụ hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hoá năm 2020 là 35.507,2 tỷ đồng, gấp 1,55 lần năm 2016, mức tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 10,14%/năm.

Chỉ tính 9 tháng năm 2022 ước đạt gần 32 nghìn tỷ đồng và ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu mạnh, các chuỗi phân phối, cửa hàng tiện ích, hệ thống nhà hàng, khách sạn tư nhân... từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và nhân dân.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại và lợi ích của việc đầu tư sản xuất đến sản phẩm cuối cùng cũng như tự xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, từ đó nâng tầm giá trị sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa hàng hoá vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại, không những tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà còn có nhiều cơ hội để đưa vào hệ thống phân phối ngoài tỉnh.

Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ (giaothuong.net.vn) đã và đang phát huy tốt vai trò; tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử của tỉnh hội nhập với thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Hoạt động kho, cảng, bến bãi cũng từng bước được mở rộng với 30 kho thương mại. Hệ thống kho chủ yếu là kho, bến bãi bốc xếp phân bón, vật liệu xây dựng. Trong đó, có một số kho cảng, bến bãi lớn như: Cảng cạn (ICD) Thụy Vân Việt Trì thuộc Công ty Duyên Hải Phú Thọ, thông quan cho khoảng 170 doanh nghiệp xuất nhập khẩu với hơn 50.000 bộ tờ khai, tương ứng khoảng 18.000 TEU, cảng cạn ICD Hải Linh thành phố Việt Trì, cảng An Đạo và nhiều kho chứa hàng hóa lên đến hàng chục nghìn mét vuông.

Tuy nhiên, hạ tầng thương mại nhất là mạng lưới chợ hiện có cũng còn nhiều bất cập, hàng hóa lưu thông qua các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn chiếm tỷ trọng nhỏ; hoạt động xuất nhập khẩu còn thiếu bền vững.

Để phát triển thương mại phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập với kinh tế quốc tế, Sở Công Thương tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án Phát triển thương mại đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 với trọng tâm là phát triển thị trường tại các trung tâm đô thị, thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong suốt kỳ quy hoạch.

P.V