Philippines: Điểm đến để phát triển kinh doanh của nhiều doanh nghiệp

05:00 26/06/2023

Môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài, nguồn nhân lực có trình độ, vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương… là những yếu tố khiến cho thị trường Philippines trở nên hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm chính thức Philippines đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2022

Khái quát quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Philippines

Quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Philippines có thể coi là thuận lợi và tốt đẹp. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Philippines là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu gạo Việt Nam.

Theo báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam, năm 2021 lượng gạo Việt Nam xuất sang Philippines đạt 2,45 triệu tấn, với kim ngạch trên 1,25 tỷ USD. Con số này tăng lên 3,18 triệu tấn với trị giá 1,49 tỷ USD vào năm 2022, chiếm gần 45,2% tổng lượng xuất khẩu và 43,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Không chỉ riêng gạo, Việt Nam còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác sang Philippines như: điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thủy sản; cà phê; sắt thép các loại; clanke và xi măng; hàng dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Philippines gồm có: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; kim loại thường khác; chất dẻo nguyên liệu; phế liệu sắt thép; thức ăn gia súc và nguyên liệu; phân bón các loại; sản phẩm chất dẻo; sản phẩm sắt thép…

Nhìn chung, Việt Nam và Philippines đều có nhiều lĩnh vực có thể bổ trợ cho nhau dựa trên thế mạnh của từng nước.

Về đầu tư, lũy kế đến tháng 10 năm 2022, Philippines là nhà đầu tư thứ 29/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 600 triệu USD.

Philippines: Điểm đến để phát triển kinh doanh của nhiều doanh nghiệp

Thông thường khi nhắc đến Philippines thì các doanh nghiệp Việt Nam hay quan tâm khía cạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tuy nhiên đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang mong muốn đầu tư vào khối ASEAN thì Philippines có thể coi là một trong số những điểm đến hấp dẫn, với những đặc điểm sau:

Quy mô thị trường lớn, yêu cầu không quá khắt khe

Philippines là thị trường quy mô lớn với hơn 100 triệu dân, kim ngạch nhập khẩu trên 90 tỷ USD/năm. Yêu cầu về chất lượng và giá cả hàng hóa không quá cao, văn hóa tiêu dùng không quá khắt khe (không phải theo các quy định tôn giáo, khá cởi mở với đồ dùng nhập khẩu).

Nguồn nhân lực chất lượng với giá cả hợp lý

Philippines có lực lượng lao động chất lượng cao và có khả năng giao tiếp tiếng Anh rất tốt. Chi phí trả cho lương công nhân, nhà ở và thực phẩm khá thấp so với nhiều quốc gia.

Môi trường chính sách kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài

Môi trường kinh doanh cũng như chính sách của Philippines có nhiều ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài như: Nhiều lĩnh vực cho phép 100% sở hữu nước ngoài; doanh nghiệp được đảm bảo tự do xuất khẩu sản phẩm của mình và được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, chuyển vốn đầu tư cho đối tác hoặc di chuyển về nước; ưu đãi về thuế và giản lược thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại các khu kinh tế…

Vị trí địa lý thuận lợi cho việc kinh doanh

Philippines có vị trí địa lý chiến lược là cửa ngõ của khu vực kinh tế Đông Á với nhiều sân bay và cảng biển, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa cũng như di chuyển để bàn việc làm ăn.

Sở hữu nhiều khu kinh tế

Theo thống kê từ Cơ quan quản lý khu kinh tế Philippines (PEZA), tính đến tháng 11/2021, Philippines có tổng cộng 415 khu kinh tế đang vận hành trên khắp cả nước, trong đó có 76 khu kinh tế chuyên về sản xuất; 297 khu kinh tế/trung tâm về công nghệ thông tin; 17 khu kinh tế về xuất khẩu du lịch, 22 khu kinh tế công - nông nghiệp và 3 khu trung tâm về y tế và du lịch. Việc mở doanh nghiệp hoặc tiến hành hoạt động kinh doanh tại các khu kinh tế chuyên biệt cho phép các doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi, bao gồm ưu đãi về thuế (được hoàn thuế, được miễn/giảm thuế trong một thời gian nhất định; được miễn thuế sản xuất hoặc thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất tại quốc gia của doanh nghiệp đó; được miễn một số loại thuế khác…); được giản lược thủ tục hành chính; được sử dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn và tận dụng được nguồn nhân công dồi dào, có trình độ cao. 

Tận dụng được các ưu đãi về thuế quan

Philippines và Việt Nam đều là thành viên của khối ASEAN và tham gia các Hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN và các quốc gia khác như ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)… nên dù là doanh nghiệp tại Việt Nam xuất khẩu sang Philippines hay doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Philippines xuất khẩu đều có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý gì khi đầu tư vào Philippines?

Mặc dù đầu tư vào Philippines có nhiều thuận lợi song cũng tồn tại nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế, cụ thể:

Sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động kinh doanh: Do số lượng khu kinh tế gia tăng nhanh chóng và những khu kinh tế trước đó đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào, nhiều khu kinh tế mới mở không được trang bị sẵn các cơ sở hạ tầng như điện, đường, nước. Do vậy, các doanh nghiệp muốn mở khu kinh tế mới hoặc đầu tư sau sẽ phải cân nhắc bố trí thêm kinh phí để tự xây dựng và trang bị những cơ sở hạ tầng nêu trên.

Sự thiếu hụt về nhân tài: Cùng với sự gia tăng của số lượng khu kinh tế, một số khu kinh tế mới mở sẽ không có sẵn nguồn nhân lực chất lượng để các doanh nghiệp tận dụng.

Vấn đề an ninh: Do đa số các khu kinh tế thường được xây dựng ở những vùng sâu vùng xa nên việc đảm bảo an ninh cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Phong Linh