Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ)

07:08 20/10/2022

Mô hình kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) ở huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) đã có nhiều đổi mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Đóng gói sản phẩm mỳ rau, củ tại HTX Thực phẩm xanh
Đóng gói sản phẩm mỳ rau, củ tại HTX Thực phẩm xanh.

Tính đến tháng 7 năm 2022, trên địa bàn huyện Lâm Thao có 35 HTX với hơn 15.000 thành viên, trong đó có 29 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 83%, sáu HTX phi nông nghiệp. Khu vực KTTT đã tạo việc làm cho trên 468 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực HTX đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, HTX Thực phẩm xanh ở xã Vĩnh Lại đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mỳ rau củ như: Mỳ rau ngót, bí đỏ, nghệ, rau thiên lý, cải bó xôi... Quy trình sản xuất mỳ được thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình ủ bột, cán bột, tách sợi, mỗi công đoạn đều thực hiện tỉ mỉ, kết hợp giữa phương pháp thủ công và công nghệ hiện đại.

Mỗi loại mỳ đều giữ đến 90% vitamin, khoáng chất từ rau, củ, đặc biệt là hàm lượng chất dinh dưỡng không bị mất đi, đảm bảo nguyên vẹn giá trị dinh dưỡng. Sử dụng 100% nguyên liệu tự nhiên- rau củ hữu cơ, sản phẩm không chứa chất phụ gia, không chất bảo quản, tốt cho sức khỏe, đạt tiêu chuẩn hữu cơ nên mỗi ngày, HTX sản xuất một tạ gạo cho ra hơn 80kg sản phẩm mỳ, một tháng sản xuất trên 2,4 tấn mỳ, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân trên 5.000.000 đồng/người/tháng, doanh thu của HTX đạt gần một tỉ đồng/năm.

Bà Đào Thị Thu Trang - Giám đốc HTX Thực phẩm xanh chia sẻ: Sản phẩm mỳ gạo dinh dưỡng từ nguyên liệu Organic giúp bổ sung một lượng lớn dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất cho người sử dụng. Chính vì thế, sản phẩm nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đặc biệt, từ các ứng dụng điện tử, HTX đã mở rộng phương án tiếp cận thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử, khai thác hiệu quả mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến như: Facebook, zalo,... để quảng bá sản phẩm. Đến nay, sản phẩm mỳ rau, củ của HTX sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bà Trang cho biết thêm.

Các HTX trên địa bàn huyện Lâm Thao đã chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, thay đổi phương thức kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương. Thông qua sử dụng mạng xã hội để có cơ hội quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, dịch vụ, huy động mọi nguồn lực để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Huyện Lâm Thao đã tích cực chỉ đạo, ban hành các văn bản quán triệt, hướng dẫn nhằm củng cố, phát triển toàn diện các HTX. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã vào cuộc, quan tâm, lãnh, chỉ đạo các HTX. Cùng với tăng cường thông tin, tuyên truyền Luật HTX năm 2012, huyện còn tập trung đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT. Đối với đội ngũ quản lý, huyện luôn chú trọng nâng cao kiến thức về kinh tế hội nhập, trình độ quản lý kinh tế, điều hành sản xuất, kinh doanh theo mô hình HTX kiểu mới.

Thời gian tới, huyện Lâm Thao tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTTT; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể đối với sự phát triển của KTTT, HTX; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

P.V