Thương mại thế giới tăng trưởng trở lại, nhưng dự báo năm 2023 không mấy khả quan

05:00 04/07/2023

Sau hai quý liên tiếp sụt giảm, thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023. Tuy nhiên nhìn chung, tăng trưởng thương mại từ nay đến cuối năm sẽ khá ảm đạm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong quý I năm 2023, thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ đều tăng trưởng dương. Như vậy, sau sự sụt giảm vào nửa cuối năm 2022, thương mại thế giới đã có bước tăng trưởng trở lại về cả khối lượng và giá trị. Trong ba tháng đầu năm 2023, thương mại hàng hóa đã tăng 1,9% so với quý IV năm 2022, với tổng giá trị tăng thêm là 100 tỷ đô-la Mỹ. Giá trị thương mại dịch vụ toàn cầu cũng tăng 50 tỷ đô-la Mỹ, tăng 2,8% so với quý trước. Đến quý II năm 2023, dự báo của UNCTAD cho thấy tăng trưởng thương mại sẽ chậm lại do các tác động về kinh tế đã được dự báo trước đó như lạm phát kéo dài, các lỗ hổng về tài chính, chiến tranh tại Ukraine và căng thẳng địa chính trị.

Nguồn: UNCTAD
*Số liệu quý I năm 2023 là số liệu ước tính, số liệu quý II là dự báo
Nguồn: UNCTAD  - Số liệu quý I năm 2023 là số liệu ước tính, số liệu quý II là dự báo.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đến những quốc gia đồng minh (friend-shoring) và gia tăng sự tập trung trong thương mại toàn cầu:

Xung đột tại Ukraine, việc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dần thoát khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau về thương mại, và hậu quả của Brexit đã thúc đẩy xu hướng tập trung vào thương mại song phương thay vì đa phương trong giai đoạn này. Báo cáo của UNCTAD cũng chỉ ra rằng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đến các quốc gia đồng minh và thân thiện đã bắt đầu gia tăng kể từ cuối năm 2022, thể hiện ở khía cạnh các bên thúc đẩy thương mại song phương nhằm ưu tiên các quốc gia có chung quan điểm về chính trị. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều quốc gia sẽ hạn chế việc mở rộng các đối tác giao thương mà thay vào đó sẽ tập trung vào các đối tác chiến lược có sẵn, từ đó dẫn đến giảm bớt sự phụ thuộc vào một số đối tác thương mại trước đó, như trường hợp Trung Quốc và Hoa Kỳ (phụ thuộc về thương mại giảm 0,9% tính từ quý I năm 2021 đến quý II năm 2023), Liên bang Nga và Liên minh Châu Âu (phụ thuộc thương mại giảm 5,6% tính từ quý I năm 2021 đến quý II năm 2023) hay Ukraine và Liên minh châu Âu (phụ thuộc về thương mại tăng 20,5%).

Xu hướng thương mại theo khu vực

Nhìn chung nếu dựa trên số liệu theo năm, trừ Liên bang Nga và các quốc gia thuộc khu vực Trung Á, đa số các khu vực đều có sự tăng trưởng về thương mại. Riêng tăng trưởng khu vực Đông Á ở dưới mức trung bình.

Các yếu tố tích cực và tiêu cực được xác định sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại từ nay đén cuối năm:

Các yếu tố tích cực

Sự gia tăng về cầu đối với dịch vụ:

Các dịch vụ về thương mại quốc tế được sự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa sau của năm 2023 đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch.

Thương mại gắn với chuyển đổi xanh:

Thương mại quốc tế đang dịch chuyển theo xu hướng kinh tế xanh. Các chính sách thương mại và công nghiệp dần phản ánh các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu và sẽ trực tiếp tác động đến dòng chảy thương mại, đặc biệt là đối với các mặt hàng, dịch vụ liên quan đến hiệu suất tiêu thụ năng lượng và năng lượng tái tạo.

Chi phí vận chuyển duy trì ở mức thấp:

Năng lực vận tải toàn cầu duy trì ở mức cao. Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải đã quay trở lại như thời điểm trước khi dịch COVID-19 diễn ra và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong suốt 2023.

Các yếu tố tiêu cực

Yếu tố địa chính trị:

Cuộc chiến tại Ukraine và các xung đột địa chính trị là những yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất đến thương mại toàn cầu trong năm 2023.

Lạm phát, giá tiêu dùng và lãi suất cho vay:

Nhiều nền kinh tế đang dự kiến giữ nguyên mức lãi suất cao do ảnh hưởng từ lạm phát. Giá tiêu dùng, cụ thể là giá năng lượng, thực phẩm và kim loại nhìn chung đang cao hơn thời điểm trước dịch bệnh.

Mối lo ngại về các khoản nợ:

Các khoản nợ quốc gia, cùng với lãi suất cho vay cao, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô của nhiều nước trên thế giới. Những nền kinh tế dễ bị tổn thương sẽ tiếp tục phải đối mặt với các khoản nợ ngày càng gia tăng.

Hạ Vũ