Tín chỉ Carbon - chìa khóa cho nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

23:08 10/07/2024

Với chủ đề "Tín chỉ Carbon: Chương trình Nhựa - Nông nghiệp và Lâm nghiệp - Bền vững Nguồn nước", buổi tọa đàm đưa ra cách tiếp cận về thị trường carbon giúp cho doanh nghiệp và người dân có cách nhìn đầy đủ hơn.

Các chuyên gia cùng thảo luận về việc hình thành tín chỉ carbn
Các chuyên gia cùng thảo luận về việc hình thành tín chỉ carbon.

Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (thành viên Tập đoàn CT Group) phối hợp với VERRA - tổ chức chứng nhận uy tín hàng đầu thế giới về bù đắp lượng carbon tự nguyện, cùng dự đồng hành của Hiệp hội Nhựa TP.HCM (VSPA), CLB Báo chí và Truyền thông Xanh, Viện Nghiên cứu Kinh tế Tuần hoàn, tổ chức Tọa đàm chuyên đề "Tín chỉ Carbon: Chương trình Nhựa - Nông nghiệp và Lâm nghiệp - Bền vững Nguồn nước".

Sự kiện thu hút đông đảo đại biểu từ các cơ quan ban ngành, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa, nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý nguồn nước tham dự. 

Các diễn giả chia sẻ những thách thức của các vấn đề môi trường nóng hổi hiện nay, đồng thời giới thiệu những giải pháp đột phá góp phần giải quyết các vấn đề này, hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ông Chung Tấn Cường – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP. HCM, cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa đã chú trọng đầu tư để dần xanh hóa quy trình sản xuất để đưa ra các các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng các nguyên liệu xanh như túi compost hoàn toàn phân hủy sinh học; nâng cấp công nghệ, quy trình, sử dụng năng lượng sạch và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng cường hiệu quả năng lượng trong sản xuất…

Theo ông Chung Tấn Cường, lộ trình trung hòa carbon đã được Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp ngành nhựa cần phải cấp bách triển khai các biện pháp chuyển đổi sản xuất xanh, cơ sở phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Như vậy, ngành nhựa cần đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai, nhưng nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi nhắc đến nên tham gia thị trường carbon.

Kinh tế tuần hoàn nhựa – thách thức và cơ hội

Ô nhiễm nhựa đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế. Tuy nhiên, nhựa cũng là một ngành công nghiệp sản xuất và phụ trợ quan trọng, có tiềm năng to lớn bởi sản phẩm nhựa được ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống. Áp dụng kinh tế tuần hoàn vào lĩnh vực nhựa sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính và tạo sinh kế xanh.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam là các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và ASEAN. Trong bối cảnh ngày càng nhiều thị trường yêu cầu báo cáo CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon) và báo cáo bền vững, ngành nhựa Việt Nam cần kích hoạt và khai thác tiềm năng của tín chỉ carbon. Tham gia thị trường tín chỉ carbon, ngành nhựa Việt Nam có thể vừa giảm thiểu tác động đến môi trường, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Ông Win Sim Tan - Trưởng đại diện VERRA khu vực Đông và Đông Nam Á chia sẻ tại hội nghị
Ông Win Sim Tan - Trưởng đại diện VERRA khu vực Đông và Đông Nam Á chia sẻ tại hội nghị.

Ông Win Sim Tan - Trưởng đại diện VERRA khu vực Đông và Đông Nam Á chia sẻ: “Chất thải nhựa đã trở thành mối quan tâm quan trọng đối với các công ty, chính phủ và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chương trình giảm ô nhiễm rác nhựa của VERRA có thể đánh giá tác động của các dự án thu gom và tái chế chất thải. Các dự án đủ điều kiện được cấp tín chỉ nhựa. Đây cũng là một phương tiện hiệu quả và mạnh mẽ nhằm giảm rác thải nhựa trong môi trường”.

Tại Việt Nam, Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) đang là đối tác đầu tiên và chính thức của VERRA trong các dự án tín chỉ carbon và các chương trình chống biến đổi khí hậu.

Biến rác nhựa thành nguyên liệu tái chế - xác định lộ trình cần thiết

Không chỉ nói về tín chỉ carbon để bù đắp và trung hòa phát thải khí nhà kính, trong ngành nhựa việc phân loại và thu thu gom rác thải nhựa đưa vào tái chế cũng rất cần triển khai ngay và được sự đồng thuận của xã hội. Ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển Bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, cho rằng, Việt Nam cần xác định rõ những thuận lợi và khó khăn trong việc thiết lập cũng như nâng cao hiệu quả tái chế để từ đó góp phần vào việc phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch và giảm phát thải carbon.

Công ty Nhựa tái chế Duy Tân hiện nay đang có dây chuyền thiết bị tái chế từ Cộng hòa Pháp “Bottle to Bottle” (chai ra chai), tức là dùng chai nhựa cũ tái chế thành hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất chai nhựa mới. Năng lực xử lý hiện tại 60.000 tấn/năm so với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh cho biết, ngành tái chế Việt Nam đang gặp ba thách thức là phân loại rác thải tại nguồm và hệ thống thu gom nhỏ lẻ; thách thức về kỹ thuật khi thiết bị và công nghệ tái chế phải nhập khẩu nên chi phí cao, đặc biệt bao bì chưa được tiêu chuẩn hóa và chưa thân thiện với công nghệ tái chế; cuối cùng là thách thức từ người tiêu dùng khi chưa được truyền thông đúng về sản phẩm tái chế, chưa ưu tiên sử dụng sản phẩm có bao bì từ nhựa tái chế.

Cùng quan điểm này, bà Văn Thị Minh Hoa – Chủ tịch CLB Báo chí và Truyền thông Xanh, cho rằng, hiện nay việc thực hiện phân loại rác tại nguồn đang có bước lùi sau khi TP.HCM quyết định cho một số dự án xử lý rác được đầu tư theo công nghệ đốt. Trong khi, phân loại rác tại nguồn chính là bước đầu tiên để triển khai kinh tế tuần hoàn, ứng xử để rác là chất thải của ngành này nhưng là là tài nguyên nguyên liệu đầu vào của một chuỗi sản xuất mới khác.

Theo bà Văn Thị Minh Hoa, cùng với các hoạt động đầu tư các nhà máy tái chế thì công tác tuyên truyền viề phân loại rác phải được triển khai ngay từ cấp lớp học sinh nhỏ, từ đó xây dựng thái độ và hành động ứng xử với rác, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm tái chế, nền kinh tế tuần hoàn mới vận hành trơn chu.

Cơ hội cho ngành nông nghiệp và lâm nghiệp

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon cũng vô cùng rộng mở. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, trong khi ngành lâm nghiệp có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Việc bán tín chỉ carbon sẽ giúp các chủ rừng và nông dân cải thiện sinh kế bền vững, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia nhận định, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày càng sôi động. Do đó, ngành nông nghiệp và lâm nghiệp Việt Nam cần đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá có tiềm năng to lớn trên thị trường này. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khi hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD. Tín chỉ carbon có thể được tạo ra từ các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tái tạo thảm thực vật. Hay ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí mê tan trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi...

Ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc CCTPA chia sẻ: “CCTPA sẽ cung cấp thông tin tư vấn đầy đủ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam về cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu. Dựa trên mục tiêu giảm khí thải, CCTPA cũng tư vấn các biện pháp cụ thể để giảm lượng khí thải carbon. Bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và triển khai các công nghệ sạch phi carbon”.

Tuy nhiên, để thực hiện các dự án có thể được đánh giá mua bán tín chỉ cũng không đơn giản. Vì một dự án được đánh giá có đủ điều kiện được mua tín chỉ carbon hay không? thì phải trải qua 17 bước đánh giá của và có sự tham gia của tất cả các bên. Ví dụ như rừng ngập mặn tại Cần Giờ muốn tham gia phải đạt 17 tiêu chí của Liên hợp quốc, dự án có cải thiện sinh kế cho người dân địa phương hay không? Có đem lại phát triển bền vững hay không? Rừng cần kiểm kê có tạo hiệu ứng nhà kính thải khí carbon hay không? 

Ông An cho rằng, để xây dựng một dự án có thể bán được tín chỉ carbon nó khó nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được. 

Việt Nam là quốc gia tiên phong cam kết giảm thải carbon bằng 0 (Net Zero) vào 2050. Đây là mức cam kết thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Theo lộ trình, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon. Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng trước xu hướng mới và nên có sự chuẩn bị trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược giảm lượng khí thải trong từng công đoạn sản xuất.

Thiên Minh