Kết quả mô hình “Nuôi cua đồng trong ruộng lúa sau thu hoạch” ở Phú Thọ

10:06 21/10/2022

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Phù Ninh, Thanh Thủy tổ chức tổng kết việc xây dựng mô hình “Nuôi cua đồng trong ruộng lúa sau thu hoạch” năm 2022.

Mô hình nuôi cua đồng tại hộ ông Đỗ Mạnh Thắng ở khu Trung Giàu, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh
Mô hình nuôi cua đồng tại hộ ông Đỗ Mạnh Thắng ở khu Trung Giàu, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh. 

Mô hình được thực hiện tại hai điểm (ở xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ và xã Bình Phú, huyện Phù Ninh) với quy mô mỗi điểm có một hộ tham gia, được cấp 100kg cua giống trên diện tích khoảng 900m2. Thời gian triển khai thực hiện bẩy tháng (từ tháng 4 đến tháng 10/2022) gồm cả quá trình khảo sát, chọn điểm chọn hộ.

Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của quy tình chăm sóc, nuôi cua như: Chọn ruộng nuôi, cua giống, cách phòng trừ, ngăn chuột, thiên địch hại, làm thức ăn, chỗ trú ngụ cho cua giống mới thả. Trong quá trình nuôi, qua theo dõi, kiểm tra thường xuyên cho thấy cua đồng có tốc độ tăng trưởng tốt, đồng đều; tỷ lệ sống đạt 91% trở lên.

Về hiệu quả kinh tế: Tăng thu nhập cho người dân trên diện tích trồng lúa một vụ, cao hơn với phương pháp nuôi truyền thống, giảm thời gian nuôi. Sau 5 tháng nuôi, trọng lượng cua đạt trung bình 80 con/kg, với giá bán 150.000 đồng/kg, trừ chi phí cho lợi nhuận đạt 15,7 triệu đồng. Ngoài ra, người nuôi còn thu giữ lại được một lượng lớn cua giống để nuôi vụ sau.

Về hiệu quả xã hội: Tạo công ăn việc làm cho nông dân, tập huấn huấn luyện được một bộ phận nông dân nắm vững được kỹ thuật nuôi cua đồng trong ruộng lúa sau thu hoạch, ruộng dọc bỏ hoang, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa cho thị trường.

Đến nay, mô hình trình diễn nuôi cua đồng trong ruộng lúa sau thu hoạch đã đạt kết quả khả quan, được nhiều người trong và ngoài địa phương đến học hỏi và làm theo; giúp cho nhiều hộ dân tiếp cận với các đối tượng nuôi mới phù hợp với điều kiện của địa phương, từ đó nhân rộng thực hiện tại các địa phương khác.

Đây là mô hình nhằm phát triển nuôi thủy đặc sản nói riêng, thủy sản nói chung để tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, làm cơ sở nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh trong các năm tiếp theo, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.

P.V